Thúc đẩy hàng hóa lưu thông qua Cảng Nghi Sơn – chính sách mới, kỳ vọng mới

(Baothanhhoa.vn) – Trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, Cảng Nghi Sơn là cảng loại I và được quy hoạch tiềm năng thành cảng đặc biệt. Trợ lực cho sự tăng tốc của cảng biển Nghi Sơn, ngoài thu hút các nhà đầu tư phát triển hạ tầng cảng, tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành nghị quyết mới về hỗ trợ các hãng tàu, doanh nghiệp (DN) thực hiện vận chuyển hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn. Sự đột phá của chính sách được kỳ vọng sẽ tiếp tục “mở đường” cho hành trình khai thác tối đa năng lực vận hành cảng, đáp ứng sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Thanh Hóa và các địa phương lân cận.

Vận chuyển hàng hóa vào cảng Nghi Sơn

Trợ lực mới cho phát triển

Hiện nay, hệ thống Cảng Nghi Sơn đã được quy hoạch chi tiết gồm có 62 bến, trong đó có 10 bến container, 22 bến tổng hợp, còn lại là bến chuyên dùng, với công suất lưu chuyển hàng hóa dự kiến khoảng 75 triệu tấn/năm. Ngoài ra, còn có các khu vực phát triển kho xăng dầu, khu dịch vụ cảng, khu vực logistics…

Được đầu tư, phát triển sau so với nhiều cảng biển quốc gia, Cảng biển Nghi Sơn đã khắc phục được những hạn chế về sự thiếu đồng bộ trong hạ tầng cảng. Hiện khu vực Cảng Nghi Sơn đã có nhiều khu, bến cảng hoàn thiện đầu tư hạ tầng và đi vào khai thác, vận hành, như khu cảng tổng hợp số 1 gồm 12 bến cảng của Công ty CP Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa và Công ty CP Đầu tư khoáng sản Đại Dương, Công ty TNHH Công nghiệp Long Sơn; 3 khu vực cảng chuyên dùng gắn với các dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và 1 cầu cảng nhập than của Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2…

Hạ tầng cảng biển đã đáp ứng được lượng hàng hóa thông qua, với 43 triệu tấn năm 2021, chiếm khoảng 50% tổng lượng hàng hóa qua nhóm cảng biển số 2 (bằng cả Nghệ An và Hà Tĩnh). Cảng đã tiếp nhận tàu với trọng tải lớn nhất lên đến 320.000 tấn vào bốc xếp hàng hóa. Trong tổng lượng hàng hóa lưu thông qua Cảng Nghi Sơn, có khoảng hơn 50% là hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo nguồn thu thuế khoảng hơn 12.000 tỷ đồng trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 con số này gần 9.600 tỷ đồng.

Để khuyến khích, thu hút các DN thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn, trong những năm 2019, 2020, HĐND tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ các hãng tàu mở tuyến vận chuyển container quốc tế, chính sách hỗ trợ DN xuất nhập khẩu hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn. Khi ban hành các chính sách này, Cảng Nghi Sơn đã thu hút được hãng tàu CMA-CGM khai thác tuyến vận chuyển container quốc tế với tổng cộng 91 chuyến tàu cập cảng, thu ngân sách khoảng 1.180 tỷ đồng, trong đó đã hỗ trợ cho đơn vị 86 chuyến với kinh phí 17,2 tỷ đồng; hỗ trợ cho 1.545 container hàng hóa của 3 DN xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng. Ngoài tăng thu ngân sách thông qua hoạt động thu thuế xuất nhập khẩu, Cảng Nghi Sơn đã được biết đến trên bản đồ quốc tế, được nhiều hãng tàu trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, đầu tư, giải quyết thêm nhiều việc làm cho người lao động.

Để tạo sức hút đối với các hãng tàu, đơn vị logistics và DN thực hiện vận chuyển hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn, tạo đột phá trong hoạt động xuất nhập khẩu qua hệ thống Cảng Nghi Sơn, ngày 13-7-2022, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 248/2022/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế và nội địa, hỗ trợ DN vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn. Theo đó, tăng mức hỗ trợ các phương tiện vận tải biển quốc tế qua Cảng Nghi Sơn lên 500 triệu đồng/chuyến (tăng 300 triệu đồng/chuyến so với chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 166/2019/NQ-HĐND). Đồng thời, bổ sung chính sách hỗ trợ các phương tiện vận tải nội địa bằng container 300 triệu đồng/chuyến. Các DN vận tải hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn cũng được hỗ trợ 2 triệu đồng/container 20 feet và 3 triệu đồng/container 40 feet khi mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa; hỗ trợ 700.000 đồng/container 20 feet và 1 triệu đồng/container 40 feet khi DN không mở tờ khai tại Hải quan Thanh Hóa. Thời gian thực hiện chính sách đến hết ngày 31-12-2026.

Gỡ nút thắt quan trọng để chính sách đi vào thực tiễn hiệu quả

Với mức ưu đãi, hỗ trợ cao hơn, đối tượng thụ hưởng được mở rộng hơn tại các chính sách từ Nghị quyết 248/NQ-HĐND, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động lưu thông hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn, nhất là hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, để chính sách này “kích hoạt” hiệu quả và giữ “chân” được DN lâu dài, vấn đề cốt lõi là phải thu hút được cả các hãng tàu và DN cùng tham gia phát triển dịch vụ và thụ hưởng chính sách tại đây.

Thực tế, khi tỉnh Thanh Hóa ban hành chính sách từ Nghị quyết số 166/NQ-HĐND, có tới chục hãng tàu, hàng trăm DN xuất nhập khẩu tới khảo sát luồng lạch, bến cảng để chuyển dịch vụ khai thác, xuất khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn. Tuy nhiên, trong suốt thời gian thực hiện chính sách, chỉ có hãng tàu CMA-CGM đầu tư tuyến container vận chuyển hàng hóa qua cảng, với tần suất 1 chuyến/tuần. Việc hạn chế hãng tàu, tần suất khiến các DN ít sự lựa chọn về mức giá cước cạnh tranh, cũng như không đáp ứng được nhu cầu xuất hàng liên tục nhiều chuyến/tuần theo yêu cầu của đối tác. Theo thống kê của Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp (KKTNS&CKCN), riêng tỉnh Thanh Hóa có gần 190 DN xuất khẩu, cộng với các DN ở Nghệ An, Hà Tĩnh, lẽ ra sẽ có một lượng hàng hóa hùng hậu, nhưng tỷ lệ DN xuất khẩu của Thanh Hóa và các tỉnh lân cận đến với Cảng Nghi Sơn vẫn còn rất khiêm tốn so với DN đến với Cảng Hải Phòng.

Trong khi các DN mong muốn được đa dạng hóa sự lựa chọn dịch vụ từ nhiều hãng tàu, thì về phía các hãng tàu, khi thực hiện khảo sát đầu tư tuyến vận tải lại lấy yếu tố sự sôi động của DN thực hiện dịch vụ qua cảng lên hàng đầu. Vấn đề này xảy ra bởi lẽ, khi mỗi chuyến tàu chở ít hàng hóa sẽ khiến giá cước tăng lên, DN không thể đưa ra được mức cước cạnh tranh, thậm chí không có lãi hoặc phải bù lỗ mà khoản hỗ trợ từ chính sách cũng không đủ cân bằng lại.

Để gỡ nút thắt này, các sở, ngành, các đơn vị liên quan cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về chính sách mới, thu hút đa dạng hãng tàu, nhiều DN đến tìm hiểu và thực hiện dịch vụ tại Cảng Nghi Sơn. Bên cạnh đó, các hãng tàu, DN nên cùng hợp tác, liên kết để hạ giá thành phí dịch vụ vận chuyển qua cảng nhằm nâng cao sức cạnh tranh, thu hút thêm và duy trì bền vững hoạt động xuất nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách hành chính trong thụ hưởng chính sách và thủ tục thông quan. Đồng thời, đặc biệt chú trọng nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ thực thi nhiệm vụ để chính sách đi vào thực thi hiệu quả, đáp ứng được kỳ vọng.

Tiềm năng xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn được dự báo trong thời gian tới là rất khả quan, với sự phát triển đa dạng các mặt hàng, các thị trường xuất nhập khẩu của DN tỉnh Thanh Hóa và DN các tỉnh lân cận. Với những lợi thế về vị trí địa lý, giao thông của khu vực Cảng Nghi Sơn cùng chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 248/2022/NQ-HĐND ngày 13-7-2022 của HĐND tỉnh là một sự quyết tâm lớn của tỉnh Thanh Hóa nhằm thu hút đẩy mạnh lưu chuyển hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn. UBND tỉnh, các sở, ngành và Ban Quản lý KKTNS&CKCN sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ, đồng hành cùng với các hãng tàu, DN khi mở tuyến và thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn.

Bên cạnh việc ưu tiên đẩy mạnh đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật cảng, hệ thống giao thông, máy móc, thiết bị, luồng lạch, dịch vụ… bảo đảm tiếp nhận, phục vụ tốt nhất cho các tàu, phương tiện ra vào cảng, Ban Quản lý KKTNS&CKCN cam kết sẽ phối hợp cùng các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan thực hiện cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hóa, hải quan, thuế; đẩy mạnh quảng bá Cảng Nghi Sơn trên hệ thống cảng biển quốc tế để thu hút các hãng tàu, các DN trên thế giới đến tìm hiểu, đầu tư, khai thác; tuyên truyền chính sách từ Nghị quyết số 248/2022/NQ-HĐND để các DN đến và sử dụng dịch vụ tại Cảng Nghi Sơn; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc của các DN, hãng tàu, nhất là đơn giản thủ tục thụ hưởng các chính sách. Đơn vị cũng sẽ phối kết hợp với các DN nghiên cứu giảm giá thành các loại phí dịch vụ, nâng cao sức cạnh tranh, thu hút nhiều DN tham gia tìm hiểu, xuất nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn, đưa Nghị quyết 248/2022/NQ-HĐND phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Hiện nay hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua Cảng Nghi Sơn đã được nhiều khách hàng biết đến, nhất là khi hãng tàu CMA-CGM đầu tư tuyến container vận chuyển hàng hóa qua cảng. Từ những chuyến tàu của hãng CMA-CGM đã đưa hàng hóa từ Cảng Nghi Sơn xuất khẩu đi 41 nước tại 114 cảng, hàng nhập khẩu đến từ 11 nước và 24 cảng và đi đến hầu hết các châu lục (trừ châu Phi) thông qua việc nối tuyến.

Theo khảo sát của các đơn vị vận hành cảng, các hãng tàu, tiềm năng xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn còn dư địa rất lớn, với sự đa dạng hóa nguồn hàng. Lâu nay, mặc dù hàng may mặc đang là mặt hàng xuất nhập khẩu chủ đạo của Thanh Hóa, Nghệ An nhưng do tần suất chuyến đi chưa hợp lý, dẫn đến hàng hóa này vẫn chủ yếu vận chuyển qua Cảng Hải Phòng. Với định hướng thu hút mạnh các chuyến tàu nội Á, sẽ tạo sự cạnh tranh và đa dạng lựa chọn hơn cho các DN đến tham gia hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng, giúp tăng thu nguồn ngân sách từ hoạt động thu thuế xuất nhập khẩu.

Toàn cảnh cảnh quốc tế Nghi Sơn

Cùng đồng hành hỗ trợ các hãng tàu, các DN tham gia phát triển dịch vụ tại Cảng Nghi Sơn, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Nghi Sơn sẽ thực hiện đồng thời nhiều giải pháp để đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa, kịp thời hỗ trợ cho các hãng tàu giải phóng nhanh hàng hóa và phục vụ kịp thời nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Trong đó, đơn vị sẽ chú trọng nhóm giải pháp tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, áp dụng phương thức điện tử để rút ngắn thời gian, giảm chi phí thủ tục hành chính, tăng cường cán bộ tiếp nhận và xử lý thủ tục thông quan hàng hóa, giảm chi phí lưu kho bãi, giải phóng container để các DN quay vòng đóng hàng hóa xuất nhập khẩu.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Hải quan và Cục Hải quan tỉnh Thanh Hóa, đơn vị cũng thành lập các tổ hỗ trợ, xử lý vướng mắc về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu kèm các danh sách cán bộ, số điện thoại cấp chi cục làm việc 24/7 để kịp thời tiếp nhận, xử lý các vướng mắc của người khai hải quan, bảo đảm hỗ trợ giải quyết thông quan nhanh hàng hóa.

Công ty TNHH SITC là hãng tàu lớn thứ 14 thế giới, với hơn 100 tàu vận tải container. Năm 2021, SITC đứng đầu khu vực phía Bắc về dịch vụ vận tải container xuất nhập khẩu, với năng lực hơn 500.000 TEU. Hiện nay, đơn vị thực hiện vận chuyển từ 30 – 40 chuyến tàu container/tuần thông qua các cảng chính tại TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Chu Lai – Quảng Nam. Đơn vị rất có thiện chí tìm hiểu đầu tư để mở rộng dịch vụ tại khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh để tăng năng lực khai thác và đã tiến hành khảo sát tại Cảng Nghi Sơn trong vài năm gần đây.

Theo khảo sát, chúng tôi nhận thấy phát triển dịch vụ tại Cảng Nghi Sơn có tiềm năng về lâu dài. Qua khảo sát cung đường và mặt hàng đi từ Cảng Nghi Sơn, chúng tôi nhận thấy chủ yếu hàng hóa đi và đến các quốc gia, như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc để xuất và nhập nguyên phụ liệu, sản phẩm hàng may mặc.

Hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cảng quốc tế Nghi Sơn ngày một tăng

Tuy nhiên, để xây dựng được mức cước ưu đãi, cạnh tranh cho DN, chúng tôi sẽ tìm hiểu và đề xuất Ban Quản lý KKTNS&CKCN kết nối các hãng tàu cùng hợp tác phát triển dịch vụ tại đây. Đồng thời, cũng đề nghị các đơn vị lai dắt, xếp dỡ tại cảng nghiên cứu áp dụng mức giá cạnh tranh so với Cảng Hải Phòng, góp phần giảm chi phí tổng thể của các bên xuống. Các đơn vị làm thủ tục thông quan cũng hỗ trợ thêm về thủ tục hành chính để các tàu giải phóng nhanh hàng hóa, giúp các DN nhận hàng nhanh chóng và giảm chi phí cho các hãng tàu.

Công ty TNHH MTV Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn là đơn vị đầu tiên phục vụ hãng tàu container mở tuyến tại Cảng Nghi Sơn. Theo khảo sát, phân tích tiềm năng phát triển dịch vụ vận chuyển hàng hóa tại Cảng Nghi Sơn, chúng tôi nhận thấy dư địa thụ hưởng chính sách này rất lớn. Hiện nay, hàng hóa vận chuyển qua Cảng Nghi Sơn chủ yếu là hàng rời, với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là tài nguyên, clinker, dăm gỗ, hàng nhập khẩu đến 95% là phế liệu sản xuất thép, trong khi xu thế tiến tới sẽ phát triển mạnh lên vận chuyển bằng container và nguồn hàng được dự báo sẽ rất đa dạng.

Theo số liệu đơn vị khảo sát, năm 2021 cả nước có 14,7 triệu TEU hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cảng. Trong đó, lượng hàng hóa thông qua Cảng Hải Phòng là 6 triệu TEU. Về dư địa hàng hóa thông qua Cảng Nghi Sơn ước khoảng 150.000 TEU của các DN Thanh Hóa, Nghệ An. Mặc dù đây là con số rất nhỏ so với cả nước và các cảng khác nhưng đã đủ để các hãng tàu mở tuyến, phát triển dịch vụ container quốc tế qua Cảng Nghi Sơn. Bởi điển hình như với hãng tàu CMA-CGM, mỗi chuyến tàu cần vận chuyển từ 400 – 600 TEU, hàng năm cần nguồn hàng khoảng 30.000 TEU đã là lý tưởng để hãng thực hiện dịch vụ.

Như đã phân tích, trước kia, các DN chưa mặn mà đưa hàng hóa về Cảng Nghi Sơn phần lớn do chi phí vận chuyển đường bộ cao. Với chính sách mới được ban hành, hỗ trợ 2 – 3 triệu đồng/container được tính toán có thể bù đắp chi phí này. Cùng với việc các hãng tàu cũng được nâng mức hỗ trợ lên 500 triệu đồng/chuyến và mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng với tàu container nội địa 300 triệu đồng/chuyến, các hãng tàu sẽ có thể giảm giá cước cho các DN lựa chọn. Do đó, chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt trong thu hút cả các hãng tàu và DN về với Cảng Nghi Sơn.

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *